Từ đầu năm nay, Tập đoàn Hưng Thịnh, Vingroup, Novaland… lần lượt công bố xây hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền.
Tập đoàn Vingroup vừa công bố kế hoạch xây dựng 500.000 căn, Novaland cũng cho biết nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn tại các tỉnh thành phía Nam và trọng tâm là TP HCM. Các doanh nghiệp khác như Him Lam, Sun Group, Bitexco… cũng cho biết sẵn sàng tham gia vào mục tiêu hoàn thành hàng triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.
Sớm nhất trong năm nay, ngay từ tháng 1/2022, Tập đoàn Hưng Thịnh công bố Sáng kiến Nhà ở vừa túi tiền. Doanh nghiệp này kết hợp với Tập đoàn Gỗ Trường Thành và Đồng Tâm Group, huy động nguồn lực chung của toàn bộ chuỗi giá trị bất động sản: từ quỹ đất, ý tưởng, quy hoạch, thiết kế, nguyên vật liệu, thiết bị, giải pháp kỹ thuật, thi công, quản trị dự án… cho đến khi hình thành được căn nhà. Mục tiêu là tối ưu chi phí đầu vào để tạo ra những ngôi nhà chất lượng, giá vừa túi tiền.
Đặc biệt, đại diện doanh nghiệp này cho biết, với quỹ đất, năng lực kinh nghiệm và khả năng huy động toàn chuỗi giá trị bất động sản, Hưng Thịnh sẽ xây dựng 150.000 căn nhà ở xã hội – nhà ở vừa túi tiền tại TP HCM và mở rộng ra các tỉnh thành lân cận.
Dự án 8X Đầm Sen tại quận Tân Phú của Tập đoàn Hưng Thịnh, giải bài toán an cư cho thế hệ 8X sinh sống và lập nghiệp tại TP HCM. Ảnh: Khánh Anh
Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Nguyễn Đình Trung cho biết, đơn vị này xác định phát triển nhà ở vừa túi tiền là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Với Hưng Thịnh đây cũng chính là hành trình của doanh nghiệp trong 20 năm qua, gắn liền với những dự án có giá thành vừa túi tiền, tạo nơi an cư cho hàng chục nghìn hộ gia đình.
Theo ông Trung, một trong những bài toán lớn nhất của nhà ở xã hội là làm thế nào để cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành để có những giải pháp toàn diện, tạo điều kiện để có được nguồn cung.
“Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người dân có nhà, ngân hàng có chính sách cho vay, lãi suất thấp. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng từ nguyên vật liệu xây dựng, thiết kế, thi công, phát triển… liên kết lại với nhau để để tạo ra những ngôi nhà chất lượng, giá thành vừa túi tiền. Và quan trọng là phải có những cơ chế mang tính đột phá, thông thoáng, tạo điều kiện để phát triển nguồn hàng”, ông Trung chia sẻ.
Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, ông Nguyễn Đình Trung – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh và ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gỗ Trường Thành công bố sáng kiến nhà ở vừa túi tiền vào 6/1/2022. Ảnh: Khánh Anh
Các thủ tục pháp lý và đề xuất chính sách từ góc độ doanh nghiệp cũng đang được đẩy mạnh, mục tiêu kêu gọi những giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ và thực tiễn cho bài toán an sinh – xã hội vốn đã tồn tại rất nhiều năm trên thị trường bất động sản.
Trước đó, vào giai đoạn thị trường nhà đất đóng băng những năm 2008-2013, Hưng Thịnh cũng đã tạo tiếng vang khi cung cấp dòng sản phẩm giá vừa túi tiền như chuỗi căn hộ 8X Đầm Sen, 8X Thái An, 8X Plus… (TP HCM) với giá chưa đến một tỷ đồng, giải bài toán an cư cho thế hệ 8X sinh sống và lập nghiệp tại TP HCM.
Mục tiêu một triệu căn hộ cho người thu nhập thấp
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện nay trên thị trường bất động sản, tỷ trọng nhà ở cho người thu nhập thấp chiếm rất thấp trong tổng nguồn cung. Cụ thể trong quý II/2022, số lượng dự án nhà ở thu nhập thấp hoàn thành trên cả nước chỉ có ba dự án với 1.134 căn tại Kon Tum, Ninh Thuận. Hiện số lượng dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng trên cả nước là 96 dự án với 123.514 căn.
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra vào ngày 1/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội tại đô thị, nhà ở cho công nhân với tổng quy mô 156.000 căn, tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Trên cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với khoảng 455.000 căn, diện tích ước tính 22,718 triệu m2.
Tuy nhiên, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thực tế quá trình triển khai chính sách về nhà ở xã hội chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của công nhân.
“Vừa qua, tôi đến thăm công nhân nhiều địa phương thì nhiều khu nhà họ ở vẫn rất chật hẹp, khó khăn. Các chủ nhà trọ đã chia sẻ, nhưng các giải pháp cho vấn đề nhà ở công nhân còn tự phát, chưa triển khai bài bản, chưa đáp ứng yêu cầu về không gian, vệ sinh, môi trường”, Thủ tướng nói.
Dự án 8X Plus tại Quận 12 TP HCM của tập đoàn Hưng Thịnh, nằm trong chuỗi dự án căn hộ vừa túi tiền dành cho giới trẻ 8X. Ảnh: Khánh Anh
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng đánh giá, thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội – hai phân khúc đang có nhu cầu cao bậc nhất nhưng nguồn cung hạn chế vì rất nhiều lý do.
Trong đó, theo ông Châu, hiện nay doanh nghiệp dù có tâm huyết và mong muốn tham gia vào phân khúc này cũng gặp rất nhiều khó khăn vì vướng nhiều quy định, thủ tục như: thủ tục xác định giá bán, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục đầu tư dự án kéo dài… Mặt khác, từ góc độ người mua, cũng có rất nhiều quy định và điều kiện đi kèm khiến người có nhu cầu thực khó tiếp cận với nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân. Những trở ngại này “làm khó” cả doanh nghiệp và người có thu nhập thấp đang “khát” nơi an cư cho gia đình.
Trước bài toán khó của an sinh xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất lập đề án đầu tư xây dựng một triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2022 – 2030. Đề án này được nhận định mang tính “mở đường” cho sự phát triển loại hình nhà ở xã hội và nhà ở vừa túi tiền trên cả nước, trên phương diện hành lang pháp lý và huy động tổng nguồn lực của xã hội.
Với sự hợp lực của những doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, năng lực và tâm huyết, cùng với sự hỗ trợ về chính sách, nhiều chuyên gia sẽ sớm nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập sẽ sớm cải thiện.
Diệp Anh